Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Phương “khùng” hào hiệp

Chúng tôi “nhặt” được thông tin về một “dị nhân” ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) rằng đấy là một anh chàng khùng, từng bị thương khi đi bộ đội ở chiến trường Campuchia, quê tận Khánh Hòa nhưng xiêu dạt về Sa Huỳnh hơn 20 năm nay làm đủ nghề mưu sinh, kể cả nghề “cái bang”.

Nếu như thế thì cũng không có gì đặc biệt để nói. Nhưng anh khùng này làm đủ nghề để nuôi thêm một anh khùng khác, và nhiều đứa trẻ “cái bang” ở chợ Sa Huỳnh đã sống sót nhờ vào sự hào hiệp của Phương “khùng đại hiệp” này.

Anh chàng... sàng giấy!

Một người quen ở Quảng Ngãi bảo: cứ vào chợ hỏi thì may ra gặp. Và những hồ nghi ban đầu về “dị nhân” này trong chúng tôi bị xua tan khi len lỏi vào chợ Sa Huỳnh hỏi thăm Phương, cả mấy chị em bán buôn ở dãy sạp hàng đầu chợ đều túa ra tìm “Phương khùng” cho chúng tôi. Thú thật, đời làm báo chúng tôi đi tìm nhân vật đã nhiều nhưng chưa khi nào chúng tôi nhận được sự nhiệt tình tìm kiếm của bà con như khi tìm Phương “khùng”. Chỉ nhìn vào tình cảm ấy thôi, chúng tôi đã tin Phương hẳn đúng là người tốt như những thông tin mình nhận được.

Không nề hà

Không chỉ lặn tìm phế liệu mưu sinh, khi có ai nhờ việc gì Phương không nề hà. Năm kia trên biển Sa Huỳnh có người chết dạt vì bão, Phương không nề hà lặn vớt thi thể và lo tẩn liệm người xấu số.

Trong lúc chờ bà con đi kiếm Phương, người bảo Phương ra bến cá, người nói Phương đi mua đồ gì đó thì chị Mẫu, thợ may vốn đặt bàn máy may gần sạp hàng Phương thường ngủ, nói: “Nó mới ở đây, tui vừa thấy nó “sàng giấy” xong. Chắc đi mua đồ giúp ai đó”. Chúng tôi ngơ ngác: sàng giấy là sao? Thì ra mọi người quanh đó đã quen với chuyện này.

Số là mỗi khi ai đó nhờ Phương đi mua đồ, sợ Phương tưng tửng quên mất thì viết những thứ cần mua vào một tờ giấy rồi Phương căn cứ vào đó để mua giùm. Nhưng cứ mỗi lần cầm tờ giấy chi chít chữ Phương đều sàng qua lắc lại, ai hỏi làm thế để làm gì, Phương cười tưng tửng: “Tui sàng chữ cho nó nhúm lại để dễ đọc, để vậy chữ chạy lung tung quá!”.

Nếu vậy đích thị là Phương “khùng” rồi!

Câu chuyện về Phương được nhiều người góp thêm vào. Chị Lê Thị Hiệu, có sạp hàng mà buổi tối Phương thường dùng làm chỗ ngủ sau khi chị dọn dẹp, nói: “Chưa thấy ai khùng mà tốt như nó, đi lặn tìm phế liệu, tìm đồ người ta làm rơi ở cảng cá được trả bao nhiêu tiền tối về nó chia cho sắp nhỏ lang thang cơ nhỡ trong chợ hết”. Chị Yến ở tiệm uốn tóc đối diện kể thêm: “Tết năm ngoái, có người đánh rơi đồng hồ xuống nước ở cảng cá, nó lặn tìm được, người ta cho nó 200.000 đồng. Vừa cầm tiền đi từ cảng lên chợ, thấy hai vợ chồng người H’Rê trên Ba Tơ về chợ không có tiền đón xe, nó đưa hết số tiền mà người ta vừa trả công cho hai vợ chồng kia”.

Chị Hiền ở tiệm may bên cạnh góp thêm: “Mấy năm trước không hiểu sao mấy người ăn mày về ở trong chợ khá nhiều, vậy là tiền nó đi gánh cá thuê, mò sắt cả ngày được bao nhiêu tối về nó mua thức ăn cho người ta hết. Đã thế, đêm đến trên sạp chợ nó dạy tụi nhỏ nhiều điều hay, nhất là dạy tụi nhỏ tuyệt đối đừng ăn cắp!”. Câu chuyện của mọi người về Phương “khùng” có thể dài thêm nữa nếu lúc ấy không có tiếng mọi người ồ lên: “Nó kìa, Phương khùng về kìa”.

"Đôi khi trên đời có những con người ta gặp, nghe câu chuyện về họ bỗng dưng mình tự thấy xấu hổ bởi những lăn tăn sân si thường nhật của mình. Với Phương, tôi cũng mang cảm giác như thế."(LÊ ĐỨC DỤC)

Tôi nhìn ra lối chợ, một người đàn ông lêu đêu, đen cháy, trên tay cầm kính lặn lững thững đi vào.

Một số phận kỳ lạ

Đúng là Phương có khùng thật, chúng tôi để ý cái sẹo lớn trên đầu Phương. Chính vết thương khủng khiếp này khiến Phương có thêm tên đệm là “khùng”. Chị Mẫu nhắc: nói chuyện với Phương khi tỉnh khi khùng, hỏi quá là nó ôm đầu kêu đau đấy!

Chắp nối những câu chuyện kể về Phương mà chúng tôi nghe qua mọi người để hỏi lại Phương, anh cười rất hiền: “Thì có gì đâu, mình làm được mình nuôi tụi nó, khi mình không làm được tụi nó nuôi mình”. Hỏi bao nhiêu đứa trẻ đã được Phương nuôi rồi, Phương cười: “Sao nhớ hết, thấy nó như em út mình, nó dạt về đây thì mình bảo bọc nó. Mình đi lặn, nhặt được mẩu sắt ném lên bờ thì nó gom lại. Cuối buổi đưa đi bán thì anh em ăn chung”.

Việc gì Phương cũng làm: tự đi lặn kiếm sắt vụn đến ăn xin hay dọn hàng cho người trong chợ để có cái ăn và nuôi những “đồng đội” cơ nhỡ khác - Ảnh: L.Đ.D.
Những mảnh ghép của một cuộc đời

Chắp nối những hồi ức rời rạc và đứt quãng, bị ảnh hưởng phần nhiều bởi vết thương trên đầu Phương, chúng tôi biết quê Phương tận huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), năm nay 47 tuổi. Năm 1979, mới 17 tuổi, Phương đi bộ đội ở Campuchia, bị thương ảnh hưởng đến thần kinh nên bây giờ không nhớ ra đơn vị nào, chỉ nhớ mỗi sư đoàn 23.

Phương bảo Phương bị “da đỏ” bắn (chúng tôi đoán Phương muốn nói đến “Khơme Đỏ”). Sau ngần ấy năm, có lẽ Phương bằng lòng với cuộc sống và sự cưu mang của bà con nơi xóm chợ Sa Huỳnh. Vả chăng ký ức cuộc đời cũng chỉ là những mảnh ghép giữa những cơn tỉnh táo hiếm hoi.

Bao nhiêu đứa trẻ lang thang xiêu dạt về chợ nhỏ nép một bên biển một bên quốc lộ 1A này đã đi qua đời Phương khùng như thế? Và tất cả đã ra đi. Có đứa dạy mãi mà vẫn không bỏ được thói ăn cắp vặt đồ của bà con trong chợ, vậy là Phương đuổi thẳng.

Phương kể: “Tui nói với sắp nhỏ: đói thì xin, đừng ăn cắp. Người ta không ghét ai ăn xin đâu, chỉ ghét kẻ ăn cắp. Anh em mình tứ cố vô thân, ăn cắp người ta đuổi đi thì không có chỗ ở, lại đói cơm đói nước”. Nghe Phương nói vậy đố ai dám nói Phương khùng? Và điều hào hiệp hỉ xả mà mọi người kể về Phương, với nhiều người coi như chuyện lạ thì với Phương đấy là chuyện hiển nhiên, bình thường.

Cách đây hai năm, có người biết về sự hào hiệp của Phương đã hỏi Phương mơ ước của mình, Phương bảo mình đã yếu, bây giờ lặn xong trồi lên hay bị hộc máu mũi, không còn sức nữa, Phương chỉ mơ có tiền để mua vé số đi bán (mà muốn bán vé số phải có tiền ký quỹ). Anh ấy đã giúp Phương 3 triệu đồng để thực hiện ước mơ. Phương về quê, mua vé số đi bán nhưng rồi bệnh “tửng” khiến Phương đánh mất số vé đã được ký quỹ. Lại quay về Sa Huỳnh và góc chợ nhỏ, Phương tiếp tục nuôi thêm một anh khùng khác tên Bình và một em nhỏ mồ côi.

Biết tin Phương mất hết tiền ký quỹ bán vé số, người ta lại giúp Phương thêm 1 triệu đồng để sống nhưng Phương không nhận. Phương nói lỡ làm mất 3 triệu đồng ký quỹ vé số lần trước rồi, như rứa là phụ lòng tin người ta, thôi để Phương tự kiếm sống với xóm chợ nghèo cũng được. Mãi đến hôm giáp tết vừa rồi, ép mãi Phương mới nhận rồi về quê mang số tiền ấy cho mấy em nhỏ trong xóm chứ không dám bán vé số, sợ mình bị “tửng” e mất thêm lần nữa.

Mới rồi Phương lại đi lặn, khi ngoi lên bị hộc máu, bà con trong chợ can không cho Phương đi lặn nữa, bảo cứ quẩn quanh đó phụ giúp dọn hàng, bưng bê rồi bà con cho tiền đủ mua cơm. Có ngày mưa rét, bà con không ra chợ, Phương lại gõ cửa nhà xin cơm, xin thức ăn mang về cho “đồng đội”. Hôm chúng tôi về Sa Huỳnh thì Bình “khùng”, người được Phương cưu mang, đã về quê ăn tết chưa lên.

Con người “tửng” vậy, bầm giập sắt đá đen đúa vậy mà hóa ra tình cảm đến lạ. Sợ Phương “sĩ”, tôi biếu Phương chút tiền nhỏ gọi là lì xì đầu năm. Phương ngần ngại, nói mãi mới nhận, liền đi te tái ra đường. Chúng tôi chạy theo, hóa ra Phương lên trạm bưu điện gọi điện về nhà cho anh trai. Phương còn anh trai ở quê, làm nghề chăn bò. Phương gọi điện thoại về nhà hàng xóm rồi nhờ họ gọi anh trai cho gặp. Nhìn khuôn mặt, giọng nói của Phương khi nói chuyện với anh trai qua điện thoại, tôi nhận ra tình huynh đệ trong Phương “khùng” chắc sâu nặng lắm.

Sa Huỳnh, thị tứ ấy đã nổi tiếng vì một nền văn hóa trong quá khứ mang tên “văn hóa Sa Huỳnh”, nổi tiếng thêm với những cánh đồng kết tinh hạt muối mặn mòi. Nhưng với số phận của Phương “khùng” nơi góc chợ nhỏ này, chúng tôi nhận ra tình đời, tình người trên mảnh đất Sa Huỳnh còn mặn mòi hơn cả đồng muối nơi đây!

Xem tiếp bài viết này!

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2009

Nguyên tắc SMART trong nghệ thuật quản lý thời gian hiệu quả

S-Specific: Cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu;
M-Measurable: Đo đếm được;
A-Achievable: Có thể đạt được bằng chính khả năng của mình;
R-Realistic: Thực tế, không viển vông;
Time bound; Thời hạn để đạt được mục tiêu đã vạch ra.

1 cuộc sống ngày nay với sự đòi hỏi ngày càng cao trong công việc bắt buộc chúng ta phải có kỹ năng làm việc tốt để có thể thích nghi được với nó, đạt được kết quả cao trong công việc cũng như cân bằng được cuộc sống cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, với quỹ thời gian bất biến thì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể giải quyết hài hoà được việc này. Mỗi ngày có 24 tiếng, một tuần có 7 ngày, 1 tháng có 30 ngày và một năm qua đi chỉ sau 365 ngày. Vậy thì tại sao trong một chứng mực thời gian nhất định, có người chẳng làm nên trò trống gì trong khi một số người làm được vô khối việc lớn lao to tát? Phải chăng họ có một khả năng siêu phàm và quỹ thời gian nhiêu hơn so với những người bình thường khác?

Quỹ thời gian của mọi người là như nhau, vì thế, câu trả lời không nằm ở chỗ chúng ta có bao nhiêu thời gian để làm các công việc đó như thế nào cho hiệu quả. Đa số các chuyên gia về quản lý nhân sự cho rằng để sử dụng thời gian của mình một cách tốt nhất, trước hết, mỗi cá nhân phải nhận định năng lực làm việc của bản thân dựa trên phân tích những điểm mạnh, điểm yếu đối với công việc mình đang đảm nhiệm, từ đó mà biết mình mong muốn điều gì trong sự nghiệp ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Đây chính là công việc đặt cho bản thân mình một mục tiêu để hướng tới. Làm thế nào để xác định được mục tiêu chính xác? Trong kinh doanh hiện đại, người ta thường đề cập đến nguyên tắc SMART, tức là mục tiêu được xây dựng dựa trên những tiêu chí sau:

S-Specific: Cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu;
M-Measurable: Đo đếm được;
A-Achievable: Có thể đạt được bằng chính khả năng của mình;
R-Realistic: Thực tế, không viển vông;
Time bound; Thời hạn để đạt được mục tiêu đã vạch ra.
Trong đó, tiêu chí “đo đếm được” gắn với những con số cụ thể. Ví dụ, mục tiêu của tôi là trở thành người giàu ,vậy giàu thế nào? nghĩa là cần phải có con số cụ thể để đo đếm được. Ví dụ một tỉ hay mười tỉ... Hơn thế nữa, chữ “M” còn mang tính động viên (Motivation), điều này sẽ luôn thôi thúc, tạo ra niềm mong muốn cháy bỏng để tập trung mọi hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu nỗ lực phấn đấu để đạt được.

Cũng đối khi người ta nhầm lẫn giữa chữ “A” và chữ “R”. Tuy nhiên, điều “có thể thực hiện được” không đồng nhất với “thực tế”. Một người được mời về làm giám đốc tài chính ngân hàng thương mại cổ phần, bằng cấp chuyên môn và kinh nghiệm điều hành đều siêu hạng (A) mà không có “Chân” trong hội đồng quản trị (R) thì không thể có cơ hội trở thành tổng giám đốc của ngân hàng đó được. Từ ví dụ này có thể hiểu, nếu có đầy đủ điều kiện thuộc tiêu chí A mà thiếu đi tiêu chí R thì không thể đạt được mục tiêu. Điều này còn đúng hơn trong đời sống chính trị.

Bước tiếp theo sau khi xác định được Mục tiêu SMART là hãy viết mục tiêu đó ra giấy, đặt trên bàn làm việc hay bất cứ chỗ nào mà bạn có thể nhìn thấy hàng ngày. Cách này giúp bạn luôn nghĩ đến nó và thúc đẩy bạn hành động hướng tới mục tiêu đề ra.

Sau đó, hãy lập kế hoạch chi tiết để thực hiện. Như vậy, bạn sẽ tính được mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm bạn sẽ phải kiếm được bao nhiêu và rồi lên kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu đó, mỗi năm phải tiết kiệm mấy chục triệu, khi nào mua đất,cất nhà. Trong khi lập kế hoạch, cần thiết phải chia nhỏ mục tiêu ra để biết con đường bạn đi bao xa, bạn đã đi được chừng nào (đạt được bao nhiêu % kế hoạch) và tiếp tục bao lâu nữa để về đích. Điều này cũng giống như tầm quan trọng của những cột cây số khi đi trên đường vậy. Khi đó bạn sẽ biết hôm nay, ngày mai rồi tháng này và năm này phải làm gì. Tốt nhất, nên viết sơ đồ phân tích công việc hàng ngày để biết việc gì cần làm trước, việc gì làm sau, việc gì là quan trọng (important) và việc gì gấp, cần làm ngay (urgent). Tâm lý chung của chúng ta là việc gì dễ và thích thì làm trước, việc khó và không thích thì để lại làm sau.. Thật tệ hại là việc khó càng để lâu, càng khó thực hiện và đôi khi việc gấp lại không hề quan trọng. Hãy liên tưởng tới câu chuyện về chiếc bình và những viên sỏi, nếu ngay từ đầu bạn cho vào chiếc bình đầy cát thì sẽ không có cách nào để xếp những viên đá hoặc sỏi vào đó nữa nhưng khi bạn xếp lần lượt đá-sỏi-cát, bạn còn chứa được cả nước cùng trong một chiếc bình. Vấn đề quan trọng không phải chiếc bình chứa được bao nhiêu thứ mà quan trọng là bạn phải biết phân biệt được công việc nào là khó “đá hộc” và đâu là những viên sỏi hay cát trong cuộc đời, biết cách quản lý thời gian hiệu quả để cân bằng cuộc sống.

2 Cách quản lý thời gian hiệu quả thường được nhìn nhận từ 2 khía cạnh, người quản lý và nhân viên. Tại sao người chủ doanh nghiệp luôn cảm thấy thiếu thời gian và quá tải về công việc? Thường thì mức độ quá tải công việc của người quản lý tuỳ thuộc vào quá trình hình thành, quy mô doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, tâm lý chung của người lãnh đạo là luôn không hết việc. Những người tham công tiếc việc, làm việc đến 18 tiếng một ngày họ vẫn cảm thấy chưa đủ, đôi khi họ ao ước “phải chi 1 ngày có 25 tiếng, 1 tuần có 8 ngày và 1 năm có 266 ngày...” và họ luôn phạm phải một tội là “lấy cắp thời gian của gia đình”.

Vậy có phương pháp nào để cân bằng thời gian cho công việc, nghỉ ngời giải trí và cho gia đình? Với một doanh nghiệp mới ra đời thì hoàn toàn có thể chấp nhận được với sự quá tải về công việc và luôn phải làm thêm rất nhiều tiếng trong một ngày đối với người lãnh đạo. Nhưng tình trạng đó không thể kéo dài mãi, mấu chốt đầu tiên là người chủ doanh nghiệp phải biết cách xây dựng hệ thống, qui trình làm việc, tiếp theo là xây dựng ngay đội ngũ kế cận. Tiếp đến là phân quyền cho nhân viên thì đòi hỏi phải thật rõ ràng cụ thể, phải đặt niềm tin vào người được giao việc và hãy lùi lại phía sau để nhân viện có sự chủ động trong giải quyết công việc. Nếu các cấp quản lý bên dưới giải quyết các sự vụ tốt thì người lãnh đạo sẽ yên tâm làm những việc “khó” đúng vai trò của mình. Vì thế, điều quyết định hiệu quả quản lý thời gian của người lãnh đạo chính là hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên.

Ở khía cạnh nhân viên, để thời gian làm việc đạt hiệu quả cao nhất, nhân viên phải xác định được mục tiêu của mình, biết lồng ghép mục tiêu cá nhân với mục tiêu của doanh nghiệp để lên kế hoạch công việc của bản thân. Người quản lý nên hướng dẫn nhân viên xây dựng một mục tiêu Smart, sau đó cùng thống nhất nhau về mục tiêu đó. Khi đã có được sự đồng thuận giưa nhân viên và cấp quản lý thì việc còn lại chỉ là lên kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu đề ra. Việc phân biệt cái Important và cái Urgent đối với nhân viên không quan trọng như với người quản lý vì công việc của nhân viên thường theo chuyên môn cụ thể và ít những vấn đề phát sinh. Thay vào đó, tính kỷ luật về thời gian với bản thân là thứ cực kỳ quan trọng. Vì vậy, khi đã thống nhất về mục tiêu giữa cấp quản lý và nhân viên đó sẽ có động lực làm việc và họ sẽ tận dụng tối đa thời gian làm việc để đạt mục tiêu.


Xem tiếp bài viết này!